Bạn đã bao giờ mở hộp ra, chuẩn bị thưởng thức điếu Xì gà của bạn và rồi thấy 1 đốm trắng trên đó. Bạn sẽ cảm thấy hoang mang tột độ, liệu rằng mình đã cất giữ xì gà sai cách ? Tủ giữ ẩm của mình liệu quá ẩm ? Và đốm trắng đó là gì ?
Xì gà bị mốc do ủ không đúng cách
Xì Gà Nghiệp Dư hôm nay sẽ giúp bạn nhận biết khi bạn dính phải trường hợp này. Có hai khả năng, một là Xì gà của bạn đã bị mốc, hai là Xì gà của bạn đã "Đơm hoa kết trái" hay "Lên Tuyết" và hôm này Xì Gà Nghiệp Dư sẽ giúp bạn phân biệt 2 trường hợp này.
Trước tiên, cầm điếu Xì gà mà bạn nghi ngờ với những đốm trắng trên đấy để kiểm tra, làm sao để biết được đây là mốc hay chỉ đơn giản là xì gà của bạn "Đơm hoa kết trái". Và phân biệt khái niệm Xì gà Mốc Là gì ? Xì gà "Lên Tuyết" Là gì ?
Mốc thường sẽ xuất hiện ở phần chân điếu.
Xì gà bị Mốc :
Giống với những vết mốc kinh khủng mà lâu lâu bạn thấy trong nhà mình, vết mốc trên Xì gà cũng như thế. Lý do chủ yếu dẫn đến mốc trên xì gà là do độ ẩm quá cao (thường là cao trên 72%), nhiệt độ quá cao và không khí trong tủ đựng xì gà quá bẩn. Nếu bạn ủ Xì gà theo quy luật 70s (70 độ F hay 21 độ C và 70% độ ẩm) nhưng không khí trong tủ giữ ẩm bị bẩn thì lại rất dễ lên mốc trên Xì gà của bạn. Và nếu độ ẩm khi ủ xì gà của bạn trên 85% và bạn không khắc phục sớm thì việc bị mốc chỉ là vấn đề thời gian.
Xì gà "lên tuyết" là gì :
Khi Xì gà "lên tuyết" thì nó nhìn rất giống với những vết mốc, nhưng thực chất 2 cái này rất khác nhau. Về cơ bản, xì gà "tuyết" là thảnh quả của dầu và đường trong lá xì gà kết tinh và nổi trên bề mặt của xì gà
Dầu và đường trong lá kết tinh trên bề mặt xì gà tạo nên "tuyết"
Nhận biết Xì gà bị Mốc :
Xì gà khi bị mốc sẽ xuất hiện những đốm trắng, xanh và vàng. Thường sẽ có sợi như rễ cây và sẽ hơi xốp, và thường những vết mốc sẽ xuất hiện trên cả phần cuối của điếu xì gà (Phần mình ngậm để hút). Những vế mốc trên xì gà thường sẽ lây lan rất nhanh vì cơ bản nó là nấm mốc. Khi hút những điếu bị mốc sẽ có một cảm giác rất khó chịu và mùi rất hôi
Nhận biết Xì gà "Lên Tuyết" :
Khi Xì gà "lên tuyết" sẽ có màu trắng và đôi khi là xám. Nó sẽ khác vết mốc ở điểm những vết này không có sợi, không xốp mà thường sẽ mịn như bột trên bề mặt của xì gà. Mốc thường sẽ mọc lem luốc và theo từng mảng, ngược lại, khi "đơm hoa kết trái" thì những đốm này sẽ nằm đều trên xì gà và kết tinh như một lớp bột mỏng và không bao giờ xuất hiện ở phần cuối của xì gà. Khác với mốc, những vệt này không lây lan.
Phải ủ và bảo quản tốt xì gà của bạn nếu không muốn bị dính "Mốc"
Giải quyết như thế nào khi Xì Gà bị Mốc ?
Đầu tiên bạn phải nhanh chóng tách điếu bị mốc ra khỏi những điếu còn lại. Nếu để trong tủ giữ ẩm thì bắt buộc phải lấy ra ngay nếu không muốn “Con sâu làm rầu nồi canh”. Nên kiểm tra lại tủ giữ ẩm của bạn vì mốc là nấm nên lây lan rất nhanh và phải diệt tận gốc. Nhiều người đưa ra câu hỏi : “Có cứu được Xì gà mốc không?”, câu trả lời là được, nhưng tốt nhất là không nên. (Bạn nào muốn tìm hiểu cách cứu xì gà mốc thì ấn vào đây). Đừng để 1 điếu xì gà 10$ khiến bạn bị bệnh cả tuần vì sức khỏe của bạn luôn là quan trọng nhất nên đừng đánh liều làm chi cả. Sau khi vứt bỏ điếu xì gà hỏng đi rồi thì nên dành ra 1 phút để tưởng niệm “Chiến Binh đã gục ngã” của mình.
Theo bạn, đây là "tuyết" hay mốc ?
Bạn nên làm gì khi thấy Xì gà “Lên Tuyết” ?
Bạn nên cảm thấy cực kì vui mừng vì trong giới xì gà có câu châm ngôn như thế này :
“Bạn không thể chọn điếu xì gà “lên tuyết”, “tuyết” sẽ chọn điếu xì gà mà nó thích”
Nếu bạn tìm thấy một điếu xì gà với “tuyết” trên đó, hãy hút ngay điếu Xì gà đó! “Tuyết” là cách xì gà của bạn nói với bạn rằng nó đã chín muồi và đã đến lúc thưởng thức nó. Vì vậy, lấy đồ uống yêu thích của bạn và châm ngay xì gà lên!